Vai trò của nguyên tố vi lượng đối với cây trồng

Trong 74 nguyên tố hóa học tìm thấy trong cơ thể thực vật có 11 nguyên tố đa lượng (chiếm 99,95%), còn hơn 60 nguyên tố còn lại là các nguyên tố vi lượng và siêu vi lượng (chiếm 0,05%). Mặc dù vậy, các nguyên tố vi lượng vẫn đóng một vai trò quan trọng trong đời sống cây trồng.

Trong cơ thể các nguyên tố vi lượng có thể tồn tại ở nhiều dạng khác nhau. Nhiều kim loại, trong đó có các nguyên tố vi lượng cần cho cây như:

– Bo, Mn, Zn, Cu, Fe, Mo, Co, … đã được tìm thấy dưới dạng các phức hữu cơ-khoáng. Các phức hữu cơ – khoáng này có những tính chất cơ bản về mặt hoá học như: tính chất của các phức chất khác biệt với tính chất của các thành phần cấu tạo nên nó, phức chất có thể tham gia vào các phản ứng mà các thành phần của nó không thể tham gia được.

Hiện nay người ta đã nghiên cứu chi tiết về các phức chất của các nguyên tố vi lượng như B, Cu. Fe, Mo,…

Ví dụ, acid boric tạo nên các phức chất với hàng loạt các chất là thành phần cấu tạo nên tế bào như: fructose, galactose, glucose, arabinose, mannose, ribose,… B tạo nên phức chất với ATP. Phức chất này dưới tác dụng của ánh sáng, tách gốc axil phosphoric dễ dàng hơn khi có một mình ATP. Có thể B làm tăng vai trò cảm quang của ATP.

Nhiều nghiên cứu cho rằng, khi kết hợp với các chất hữu cơ, hoạt tính hoạt tính của các nguyên tố vi lượng tăng hàng trăm, hàng nghìn, thậm chí hàng triệu lần so với trạng thái ion của nó. Ví dụ: trong phức chất, Fe không những liên kết với 4 vòng pyron mà còn cả với protein đặc thù, nên hoạt tính của nó tăng lên hàng chục triệu lần.

Oparin đã chỉ rõ ràng: 1 mg Fe liên kết trong phức chất tương đương với tác  động xúc tác của 10 tấn Fe vô cơ. Cũng như vậy, Co trong cobalamine (Vitamine B 12) Có khả năng phản ứng mạnh gấp hàng nghìn lần Co vô cơ. Phức chất hữu cơ – Cu có khả năng phân giải H2O2 nhanh hơn hàng triệu lần so với CuSO4 hay CuCl2.

Vấn đề các phức hữu cơ-khoáng, cụ thể là các phức hữu cơ-kim loại, đã có ý nghĩa đặc biệt do việc khám phá ra khả năng sử dụng các hợp chất nội phức (các chelate) vào việc chống bệnh vàng lá do thiếu Fe, cũng như các bệnh thiếu các nguyên tố vi lượng khác. Người ta sử dụng chelate-fe (Fe-EDTA: Fe-ethylen-diamine-tetra-acetic)  để chống bệnh vàng lá rấl nguy hiểm ở thực vật do thiếu Fe gây ra. Sau đó là các dạng chelat khác như: Cu-EDTA, Zn-EDTA, Mn-EDTA, Mo-EDTA,… là những loại phân vi lượng đặc biệt bón qua lá.

Gần đây người ta đã phát hiện thấy: các hợp chất EDTA có tác động giống như các chất điều hoà sinh trưởng.

Các nguyên tố vi lượng và enzyme. 

Có thể khẳng định rằng: các nguyên tố vi lượng là cơ sở của sự sống, vì hầu hết các quá trình tổng hợp và chuyển hoá các chất được thực hiện nhờ các enzyme, .mà trong thành phần của các enzyme  đó  đều có các nguyên tố vi lượng. Hiện nay đã biết khoảng 1000 hệ enzyme và khoảng 1/3 số hệ enzyme này  được hoạt hoá bằng các kim loại. Học thuyết enzyme-kim loại (metalloenzyme)  đã trở thành một trong những vấn  đề trung tâm của cả hóa sinh học và sinh lý học hiện đại. Kim loại tạo thành phức chất với protein có những tính chất mới. Chẳng hạn như sự oxy hóa acid ascovic  được xúc tiến nhanh gần 1000 lần nhờ enzyme ascovin-oxidase chứa Cu. Protein kết hợp với enzyme có thể tạo nên phức chất hữu cơ với các nguyên tố vi lượng, bởi vì nhiều acid amine có thể tạo thành các phức hợp với kim loại (chelate) thông qua các nhóm carboxyl hoặc nhóm amine.

Các nguyên tố vi lượng và các chất  điều hoà sinh trưởng, các vitamine. 

Người ta đã biết vai trò của Zn trong quá trình sinh tổng hợp các hợp chất dạng indol và serin bị kìm hãm. Zn còn có tác dụng phối hợp với nhóm gibberellin.

Mn có tác dụng trợ lực cho hoạt động của nhóm auxin. Mn có tác dụng đặc hiệu đến hoạt tính của auxin oxidase.

B cũng có lác động tích cực đến quá trình sinh tổng hợp auxin. B còn có tác dụng thúc đẩy việc vận chuyển các chất điều hoà sinh trưởng.

Về mối  liên quan  giữa  các nguyên tố vi lượng với các vitamine cũng  đã  được nghiên cứu. Người ta thấy rằng: Mn, Cu, Zn và nhiều nguyên tố vi lượng khác tập trung trong các cơ quan chứa nhiều vitamine.

Co trong vitamine B12. B có liên quan đến minh tổng hợp vitamine C; Mn, B, Zn, Mo, Cu có liên quan đến sinh tổng hợp vitamine nhóm B (B1, B2, BB6,  B12).

Nguyên tố vi lượng và các quá trình trao đổi chất.

Các nguyên tố vi lượng có tác dụng sâu sắc và nhiều mặt đối với quá trình quang hợp. Sinh tổng hợp chlorophyll không những cần có Fe, Mg, mà còn tập trung trong lục lạp cả Mn, Cu. Các nguyên tố Co, Cu, Zn, Mo có ảnh hưởng tốt đến độ bền vững của chlorophyll. Các nguyên tố Zn, Co có tác dụng tốt đến sự tổng hợp carotenoid. Nói chung các nguyên tố vi lượng có ảnh hưởng tích cực đến hàm lượng và trạng thái các nhóm sắc tố của cây, đến số lượng và kích thước của lục lạp. Các nguyên tố vi lượng là thành phần câu trúc hoặc tác nhân hoạt hoá các enzyme tham gia trực tiếp trong pha sáng cũng như pha tối của quang hợp, do đó tác động rõ rệt đến cường độ quang hợp và thành phần của sản phẩm quang hợp. Hiện nay đã biết rất rõ vai trò của các enzyme và các protein chứa Fe (các cytochrome, ferredoxin) và chứa Cu (plastocyanine) trong các dây truyền điện tử của hai phản ứng trong quang hợp, cũng như vai trò của Mn trong quá trình phân li H2O, giải phóng O2. Ở pha sáng nếu thiếu Mn thì phản ứng Hill không thực hiện được, sự giải phóng O2 bị kìm hãm và lượng H2O2 sẽ gây độc cho tế bào.  Ở pha tối của quang hợp, vi lượng tham gia vào các enzyme trao đổi chất của các chu trình C3,  C4, CAM…

B, Mn, Zn, Cu, Co, Mo tham gia trong việc thúc đẩy sự vận chuyển các sản phẩm quang hợp từ lá xuống các cơ quan dự trữ. Các nguyên tố vi lượng còn có tác dụng hạn chế việc giảm cường độ quang hợp khi cây gặp hạn, ảnh hưởng của nhiệt độ cao, hoặc trong quá trình hoá già.

Đối với quá trình hô hấp các nguyên tố vi lượng có những tác động trực tiếp. Nhiều nguyên tố, đặc biệt là Mg, Mn, là tác nhân hoạt hoá mạnh mẽ các enzyme xúc tác cho quá trình phân giải yếm khí (chu trình đường phân) cũng như hiếu khí (chu trình Krebs) các nguyên liệu hữu cơ trong quá trình hô hấp. Các nguyên tố vi lượng là thành phần cấu trúc bắt buộc của các enzyme oxi hoá – khử trực tiếp tham gia vào các phản ứng quan trọng nhất của hô hấp (các hệ cytochrome chứa Fe, polyphenoloxidase, ascorbinoxidase chứa Cu). Nhiều nguyên tố vi lượng ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình phosphoryl hoá chứa oxi hoá (tạo thành ATP), nghĩa là đến hiệu quả năng lượng có ích của hô hấp.

Nguyên tố vi lượng với tính chống chịu của thực vật.

– Chịu mặn: Các nguyên tố có ảnh hưởng đến tính chịu mặn của cây là Mn, B, Zn, Al, Cu, Mo,… Chúng làm giảm tính thấm của chất nguyên sinh đối với Cl; làm tăng tốc độ xâm nhập P, Ca, K và tăng tích lũy các chất có tác động bảo vệ (như globulin, albumin). B, Mn, Al, Cu bón vào cây hay phun lên lá đã làm tăng độ nhớt và hàm lượng các keo ưa nước ở lá trong điều kiện đất mặn, làm tăng lượng nước liên kết và khả năng giữ nước của lá. B, Mn, Al ảnh hưởng đến tính chịu mặn vì chúng làm hàm lượng các loại glucid hòa tan trong lá tăng lên, đảm bảo áp suất thẩm thấu để cung cấp nước cho tế bào và làm ổn định hệ keo của nguyên sinh chất.

Trong điều kiện mặn vừa phải độ bền của chlorophyll liên kết với protein trong lục lạp tăng lên mạnh mẽ, làm tăng tính chống chịu của hệ chlorophyll- protein nhờ có Mn, Co, Mo, Cu.

– Chịu hạn: Hạn hán thúc đẩy các quá trình thủy phân trong cây, làm yếu quá trình tổng hợp protid và dẫn tới sự tích lũy nhiều acid amine tự do làm kìm hãm quá trình sinh trưởng của cây. Al, Co, Mo có ảnh hưởng tích cực đến khả năng chịu hạn nhờ chúng có thế duy trì các quá trình lổng hợp prtein cao trong điều kiện bất lợi này. B, Zn, Cu, Mo, Co, Al….ảnh hưởng tốt đến sự tổng hợp, chuyển hóa và vận chuyển glucid từ lá về cơ quan dự trữ là một trong những nguyên nhân chủ yếu để nâng cao tính chịu hạn và  chịu nóng của cây, đặc biệt trong thời kỳ khủng hoảng.