Phân hữu cơ là một trong những loại phân quan trọng, không thể thiếu trong sự hình thành và phát triển của cây. Thế nhưng hiểu đúng về nó và sử dụng như thế nào cho hợp lý và đạt hiệu quả tốt nhất lại là vấn đề chưa được nhiều người quan tâm.
Phân hữu cơ là phân chứa các chất dinh dưỡng ở dạng những hợp chất hữu cơ. Những chất dinh dưỡng có trong phân hữu cơ cây không trực tiếp sử dụng được mà phải qua sự phân giải nhờ vào quá trình hoạt động của các vi sinh vật và các tác động lý hóa trong đất. Đặc điểm này có liên quan rất lớn đến cách sử dụng phân hữu cơ với nguyên tắc cơ bản là phải làm sao cho phân mau phân hủy, chuyển các chất dinh dưỡng từ khó tiêu sang dạng dễ tiêu để kịp cung cấp dinh dưỡng cho cây.
Bởi những đặc điểm trên nên phân hữu cơ trước khi sử dụng phải qua chế biến để cho phân hoai mục, nhất là với các phân hữu cơ ở dạng còn tươi như phân chuồng, phân rác, than bùn. Phân chưa qua chế biến cây sẽ chậm hấp thụ, phân tươi còn mang nhiều yếu tố gây ô nhiễm đất, ngoài ra trong quá trình phân giải tự nhiên còn sinh ra một số chất hại cho rễ cây (ngộ độc hữu cơ).
Phân hữu cơ chủ yếu được dùng bón lót trước khi gieo trồng, nên nếu bà con có bón thúc phải bón sớm trước khi cây sinh trưởng mạnh hoặc trước khi ra hoa (với các cây lâu năm). Cách bón là bón rải đều trên mặt đất hoặc bón theo hàng, theo hốc. Phân xanh thì cày vùi xuống đất. Liều lượng bón tùy loại đất và loại cây. Lượng bón lót trung bình của phân chuồng đã ủ hoai từ 500 kg – 5 tấn/ha (tùy theo chất lượng phân). Phân vi sinh bón ở nơi đất mới, đất trồng cạn, sau một vụ ngập nước, nơi chưa trồng các cây có vi khuẩn cộng sinh… mới có hiệu quả cao.
Các loại phân hữu cơ phổ biến hiện nay là phân chuồng (phân gia súc, gia cầm), phân xanh, phân rác, than bùn. Ngoài ra, phân hữu cơ còn được chế biến từ các phụ phế phẩm trong sản xuất nông nghiệp (tro, trấu, bã dầu, xác cá…). Hiện nay có nhiều loại phân hữu cơ được chế biến với các tính năng khác nhau tùy thuộc vào thành phần và hàm lượng các dưỡng chất. Ví dụ: Phân hữu cơ vi sinh được chế biến từ các nguyên liệu có nguồn gốc hữu cơ sau đó được bổ sung vào thành phần các vi sinh vật (VSV) hữu ích như: VSV cố định đạm, VSV phân hủy xellulose, phân giải chất lân từ khó tiêu sang dễ tiêu và VSV đối kháng có tác dụng tiêu diệt các loại VSV gây hại cho cây trồng.
Xem thêm: