Quy trình bón phân cho cây Lúa

Đặc điểm chung về cây lúa

– Cây lúa là cây lương thực chủ yếu và quan trọng trên thế giới. Lúa có thể gieo trồng trong điều kiện nhiệt đới và á nhiệt đới.

+ Cây lúa có thể sinh trưởng trong phạm vi nhiệt độ từ 10-400C, nhiệt độ thích hợp nhất 22-300C ( thấp hơn 150C gây hại cho lúa).

+ Thời gian chiếu sáng ngắn 9-10 giờ/ngày có tác dụng rõ đối với việc xúc tiến quá trình làm đòng và trỗ bông.

+ Lúa có yêu cầu về nước đặc biệt, trong đất ngập nước cây lúa được cung cấp nước thuận lợi nhất và cho năng suất cao, ổn định nhất.

+ Thời vụ gieo cấy ở đồng bằng Bắc Bộ có 2 vụ chính , mỗi vụ chia ra các trà cấy sớm, chính vụ và muộn. Vụ mùa có thời vụ cấy từ  25/6-25/8. Vụ xuân có thời vụ cấy từ 15/1-5/3.

+ Thời gian sinh trưởng của cây lúa thay đổi từ 90 đến 180 ngày. Đối với các giống lúa thường có thời gian sinh trưởng sinh thực khoảng 60 ngày ( thời kỳ làm đòng khoảng 30 ngày, thời kỳ chín khoảng 30 ngày). Sự khác nhau của các giống lúa về thời gian sinh trưởng chủ yếu ở thời kỳ sinh trưởng dinh dưỡng. Lúa cấy thường chín muộn hơn lúa gieo thẳng khoảng 7-10 ngày do phải mất thời gian bén rễ.

Đặc điểm sinh lý dinh dưỡng của cây lúa

a. Đặc điểm sinh trưởng phát triển của cây lúa

– Thời kỳ sinh trưởng dinh dưỡng: tính từ lúc gieo mạ đến bắt đầu làm đòng

+Giai đoạn mạ kéo dài  khoảng 20 ngày từ khi gieo mạ đến khi cây có 4-5 lá

+ Giai đoạn đẻ nhánh kéo dài 40 ngày từ khi cấy đến khi bắt đầu có đòng ( 10-13 ngày đầu là giai đoạn bén rễ hồi xanh, 20 ngày tiếp theo là giai đoạn đẻ nhánh hữu hiệu – ảnh hưởng trực tiếp đến việc hình thành số bông).

– Thời kỳ sinh trưởng sinh thực: bắt đầu từ lúc làm đòng đến khi thu hoạch

+ Giai đoạn làm đòng, trỗ bông, hình thành hạt quyết định các yếu tố cấu thành năng suất: số hạt trên bông, tỷ lệ hạt chắc, trọng lượng 1000 hạt – là thời kỳ có ảnh hưởng trực tiếp nhất đến năng suất  thu hoạch.

( Trong bón  phân cho lúa cần chú ý: các giống cực ngắn ngày có giai đoạn sinh trưởng dinh dưỡng ngắn, cây có thể bắt đầu phân hóa đòng trước giai đoạn đẻ nhánh tối đa. Các giống ngắn ngày, cây bắt đầu phân hóa đòng ngay sau giai đoạn đẻ nhánh tối đa)

b. Đặc điểm hệ rễ cây lúa

– Lúa là cây trồng có bộ rễ chùm, tăng dần về số lượng và chiều dài ở thời kỳ đẻ nhánh làm đòng, thường đạt tối đa vào thời kỳ trỗ bông sau đó lại giảm đi.

– Bộ rễ lúa phân bố ở lớp đất 0-20 cm, phần lớn ở lớp đất mặt 0-10 cm. Lúa là cây trồng có bộ rễ ăn nông và có thời gian từ cuối đẻ nhánh đến đầu làm đòng rễ ăn nổi trên mặt đất.

c. Yêu cầu về các chất dinh dưỡng của cây lúa

– Đạm có ảnh hưởng rất lớn đến quá trình đẻ nhánh của cây lúa, việc cung cấp đạm đủ đúng lúc làm cho lúa vừa đẻ nhánh nhanh lại tập trung, tạo được nhiều dảnh hữu hiệu-có vai trò quan trọng nhất đối với năng suất lúa. Đạm còn có vai trò quan trọng đối với việc hình thành đòng và các yếu tố cấu thành năng suất khác: số hạt trên bông, trọng lượng 1000 hạt, tỷ lệ hạt chắc. Lượng đạm cần thiết để tạo ra 1 tấn thóc khoảng 22 kg N. Trong quá trình sinh trưởng cây lúa có nhu cầu đạm tăng đều từ thời kỳ đẻ nhánh tới trỗ, rồi giảm sau trỗ. Cây lúa hút đạm nhiều nhất vào 2 thời kỳ: đẻ nhánh khoảng 70% và làm đòng khoảng 10-15% ( đẻ nhánh là thời kỳ hút đạm có ảnh  hưởng lớn nhất đến năng suất, còn làm đòng là thời kỳ hút đạm có hiệu suất cao)

– Lân có vai trò quan trọng trong thời gian sinh trưởng đầu của cây lúa, xúc tiến sự phát triển của bộ rễ và số dảnh lúa, có ảnh hưởng tới tốc độ đẻ nhánh của cây lúa. Lân còn làm cho lúa trỗ bông đều, chín sớm hơn, tăng năng suất và phẩm chất hạt thóc. Nhu cầu lân cây hút để tạo ra 1 tấn thóc khoảng 7 kg P2O5. Cây hút lân mạnh nhất vào thời kỳ đẻ nhánh, một phần vào thời kỳ làm đòng.

– Kali có ảnh hưởng rõ đến sự phân chia tế bào và phát triển bộ rễ lúa trong điều kiện ngập nước, có ảnh hưởng lớn đến quá trình quang hợp, tổng hợp các chất gluxit, protein, thúc đẩy quá trình hình thành licnin, xenlulo làm cho cây cứng cáp hơn, chịu được nước sâu, giảm đổ và chống chịu sâu bệnh tốt hơn. Lượng kali cây hút để tạo 1 tấn thóc 32 kg K2O. Nhu cầu kali của cây lúa cao nhất ở 2 thời kỳ đẻ nhánh và làm đòng. Tuy lúa hút kali mạnh nhất ở thời kỳ làm đòng nhưng thiếu kali ở thời kỳ đẻ nhánh lại ảnh hưởng mạnh nhất đến năng suất lúa.

– Cây lúa có nhu cầu Ca không cao song trên đất chua, đất phèn, đất xám hoặc nghèo Ca thì việc bón phân có Ca là cần thiết.

– Lúa cần sắt nhiều hơn các cây trồng khác, lúa thiếu Fe thường xuất hiện ở những chân ruộng có địa hình cao, thoát nước mạnh, giữ nước kém, pH cao

-Thiếu kẽm cây lúa hồi xanh chậm, đẻ nhánh kém, còi cọc… Hiện tượng thiếu Zn thường xãy ra trên đất có pH, hàm lượng kali,, lân và chất hữu cơ cao.

– Thiếu đồng làm tăng tỷ lệ lép, giảm trọng lượng hạt. Hiện tượng cây lúa thiếu Cu thường xảy ra trên đất cát có pH cao và đất chứa quá nhiều chất hữu cơ, đất than bùn

– Bo cần thiết cho việc đảm bảo sức sống của lúa, tăng khả năng thụ phấn, tăng quá trình vận chuyển chất hữu cơ về hạt, Hiện tượng thiếu Bo thường xuất hiện trên đất quá chua, đất phèn

Bón phân cho lúa

a. Các loại và dạng phân bón sử dụng cho lúa

– Các loại phân đạm thích hợp cho lúa là phân đạm amon, ere. Ure đang trở thành dạng phân đạm phổ biến với lúa nước vì có tỷ lệ đạm cao, lại rất thích hợp để bón trên các loại đất lúa thoái hóa. Phân đạm nitrat có thể dùng để bón thúc ở thời kỳ đòng, đặc biệt hiệu quả khi bón trên đất chua mặn

– Đất chua trồng lúa, bón phân lân nung chảy thường cho kết quả ngang phân supe lân do trong điều kiện ngập nước cũng dễ cung cấp cho lúa mà ít bị rửa trôi và còn cung cấp cả sillic- yếu tố dinh dưỡng có nhu cầu cao ở cây lúa. Tuy nhiên nếu cần bón thúc lân và trồng lúa trên đất nghèo S ( đất bạc màu, bón ít phân hữu cơ) thì phải dùng phân lân supe

– Loại phân kali thích hợp cho lúa là KCl

– Khả năng chịu chua của cây lúa tốt những ở đất quá chua cây lúa sinh trưởng kém có thể do nhôm hòa tan gây ra ( hiện tượng ngộ độc nhôm) nên bón vôi là biện pháp quan trọng ở đất lúa nước quá chua.

b. Lượng phân bón cho lúa

– Lượng phân chuồng thường bón 7-10 tấn/ha, vụ mùa nên bón nhiều hơn.

– Lượng phân đạm thường bón 80-120kg N/ha. Trên đất có độ phì trung bình để đạt năng suất 6 tấn thóc/ha cần bón 160 kg N/ha

– Lượng phân lân trung bình 60 kg/ ha. Đối với đất xám, bạc màu có thể bón 80-90 kg/ha, đất phèn có thể bón 90-150 kg/ha

– Lượng phân kali bón cho lúa trung bình 30-90 kg/ha, ở mức bón trong thâm canh lúa cao 100-150 kg/ha

c. Phương pháp bón phân cho lúa

– Tỷ lệ bón phân ở các thời kỳ (%)

Loại phân Bón lót Bón thúc đẻ nhánh Bón thúc đòng
Đạm 35-70 0-45 0-30
Lân 55-100 0-30 0-15
Kali 20-50 0-30 50

– Bón phân lót cho lúa

+ Trong bón phân cho lúa thường bón lót toàn bộ phân chuồng và phân lân, một phần phân đạm và kali. Thường bón lót phân chuồng trong quá trình làm đất; phân lân, kali, cùng phân đạm bón trước khi cày bừa lần cuối.

+ Cây hút khá nhiều lân trong các giai đoạn sinh trưởng đầu, giai đoạn cây con lúa bi khủng hoảng lân do vậy phân lân cần được bón lót toàn bộ hoặc bón lót và bón thúc sớm. Phân lân nên bón rải đều trên mặt ruộng trước khi cày bừa lần cuối để gieo cấy.

+ Nên bón lót nhiều phân kali trong các trường hợp: giống lúa đẻ nhánh nhiều, giống lúa ngắn ngày, lúa có hiện tượng bị ngộ độc sắt, mưa nhiều, ngập nước sâu, khí hậu lạnh

+ Thường dành 1/3-2/3 tổng lượng đạm để bón lót cho lúa. Cần bón lót nhiều đạm hơn khi cấy bằng mạ già, các giống lúa ngắn ngày

– Bón thúc đẻ nhánh

+ Thường bón bằng phân đạm hay phối hợp thêm với một phần phân lân (nếu còn chưa bón lót hết). Thời gian bón thúc đẻ nhánh vào khoảng 15-20 ngày sau cấy

+ Trên đất phèn hoặc đất quá chua khả năng cố định lân của đất rất mạnh thì bón thúc lân cho lúa là cần thiết vì vừa nhằm hạ độ phèn và độc tố trong đất vừa cung cấp dinh dưỡng lân cho lúa. Khi bón thúc nên dùng các dạng lân hạt để tránh bám dính gây cháy lá.

+ Thường dành 1/2 -2/3 lượng đạm còn lại để bón thúc đẻ nhánh nhằm làm lúa đẻ nhánh nhanh, tập trung và cũng để giảm lượng phân lót, tránh mất đạm. Cần bón thúc đẻ nhánh nhiều đạm  cho lúa trong các trường hợp: cấy giống dài ngày, đẻ nhánh nhiều, mật độ cấy cao, nhiệt độ khi gieo cấy cao.

+ Đối với giống lúa cực ngắn, lúa mùa cần phải bón thúc đẻ nhánh sớm hơn

+ Bón thúc đạm cho lúa tốt nhất là bón sau khi rút nước ruộng do có thể làm tăng gấp đôi hiệu lực của phân bón so với ruộng có nhiều nước. Không nên rút nước quá 1 ngày trước khi bón thúc vì việc rút nước trong một thời gian dài thúc đẩy cỏ dại phát triển và làm mất đạm

– Bón thúc đòng

+ Bón thúc đòng cho lúa thường sử dụng phối hợp phần phân đạm và kali còn lại. Bón đòng tốt nhất là bón sau khi gieo cấy 40-45 ngày.

+ Khi bón ít đạm thì bón thúc đòng là một kỹ thuật quan trọng để năng cao hiệu suất phân đạm và là thời kỳ bón đạm có hiệu quả nhất. Những giống đẻ ít, bông to, năng suất dựa vào số hạt trên bông thì cần phải chú trọng vào đợt bón đón đòng và nuôi hạt để tạo được bông to, nhiều hạt chắc, đạt năng suất cao. Khi đã bón lót được nhiều cũng có thể không cần bón thúc đẻ mà chỉ cần bón thúc đòng. Bón đủ phân lót và thúc đẻ nhánh có thể không bón phân đòng. (Dựa vào việc chuẩn đoán lá để xác định nhu cầu bón phân cho lúa)

+ Nên dùng phân kali bón thúc đòng cho lúa trong các trường hợp: giống đẻ nhánh ít, giống dài ngày, gieo cấy thưa, đất phèn (thiếu lân và ngộ độc sắt), đất kiềm (thiếu kẽm), lân bị đất cố định hay mưa nhiều.

– Bón nuôi hạt

+ Sau khi lúa trỗ hoàn toàn có thể bón nuôi hạt bằng cách phun phân bón lá 1-2 lần nhằm làm tăng số hạt chắc, tăng năng suất. Đây là thời kỳ bón phân có hiệu quả rõ khi trồng lúa trên đất có thành phần cơ giới nhẹ, khả năng cung cấp dinh dưỡng và giữ phân kém.

Vấn đề bón phân cân đối trong trồng lúa

– Vụ mùa, hè thu (mùa mưa) lượng đạm cần bón ít hơn so với vụ đông xuân. Vụ hè ở các tỉnh phía Nam do nắng nóng, đất chua nhiều, phèn bốc mạnh nên cần bón nhiều lân hơn so với vụ đông xuân và vụ thu đông

– Đất cát, đất xám, đất bạc màu do hàm lượng kali thấp nên cần bón nhiều kali hơn so với các loại đất khác. Trên đất này do hàm lượng hữu cơ và sét thấp nên phải chia phân ra làm nhiều lần bón hơn để giảm thất thoát phân bón

– Đất phèn, đất trũng nghèo lân lại có nhiều sắt nhôm di động gây động do đó cần phải bón nhiều phân lân hơn các loại đất khác nhằm giảm độ độc của sắt nhôm và cung cấp lân cho cây lúa.