Ngoài chất thải chăn nuôi, nếu không có biện pháp tái sử dụng phế phụ phẩm của ngành trồng trọt và nuôi trồng thủy sản, thì môi trường sẽ bị ảnh hưởng rất lớn.
Những mẻ củi than trước khi đưa vào lò nung để chuyển hóa thành than sinh học
Nhưng nếu sử dụng hợp lý, chúng sẽ trở thành nguồn nguyên liệu giá trị để SX phân bón, than sinh học, thức ăn chăn nuôi…
Bởi ở nước ta, các loại phế, phụ phẩm nông nghiệp chủ yếu là vỏ trấu, mùn cưa, bã mía, cùi ngô, bẹ ngô, xơ dừa, rơm, rạ… Nguồn nguyên liệu khổng lồ này luôn luôn tồn tại và ngày càng gia tăng cùng với phát triển SX.
Với tiềm năng dồi dào như vậy, nếu biết sử dụng hợp lý thì không những tạo thêm điều kiện việc làm cho nhiều lao động nông thôn mà còn góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, hệ thống nghiên cứu khoa học của nước ta lâu nay quá sa đà vào nghiên cứu phát triển SX, bảo quản, chế biến chính phẩm trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.
Ngược lại, vấn đề xử lý, nâng cao giá trị từ nguồn phế phẩm nông nghiệp bị xem nhẹ. Thế nên, sau mỗi vụ mùa, rơm rạ, thóc lúa, lõi ngô… lại trắng đường, trắng đồng.
Năm 2014, tôi đến thăm một cơ sở chế biến phân vi sinh ở Đắk Lắk. Chủ doanh nghiệp này nói rằng cách đây 12 năm, mùn mía, tro than thải ra từ các nhà máy mía đường là thứ bỏ đi.
Nhưng từ khi Bộ KH-CN có dự án hỗ trợ xây dựng mô hình thí điểm sử dụng mùn mía, tro than (kết hợp với than bùn, men vi sinh và một số chất phụ gia) để ủ phân bón vi sinh, doanh nghiệp này thử tham gia và đã thành công.
Một số đơn vị khác thấy chúng tôi ăn nên làm ra cũng “nhảy vào” chiếm thị phần. Hiện nay các nhà máy đường ở khu vực Tây Nguyên phải quen thân với ông giám đốc nhà máy đường mới được vào đấu thầu mua mùn mía, mật rỉ và các phụ phẩm khác từ đường để làm phân bón.
Cũng theo chủ cơ sở SX này, việc thu gom nguyên liệu than bùn để SX phân vi sinh cũng ngày càng khó khăn do giá tăng (600-700 ngàn đồng/tấn than bùn). Tôi hỏi ông ấy: “Bác có biết là chất thải chăn nuôi cũng là nguồn nguyên liệu rất tốt để SX phân hữu cơ không?”.
Ông trả lời: “Tôi có nghe qua nhưng chẳng nhà khoa học nào chỉ dạy tỉ mỉ. Và nếu muốn chuyển đổi công nghệ chế biến phân bón, chúng tôi rất cần sự hỗ trợ của nhà nước. Bởi nếu thất bại thì cơ sở SX sẽ mất đi lượng khách hàng lớn”.
Xuất phát từ nhận định đó, khi triển khai dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp (LCASP), chúng tôi không chỉ chú trọng vào việc hỗ trợ người chăn nuôi xây dựng công trình khí sinh học, mà còn tập trung nghiên cứu, xây dựng các mô hình thí điểm để sử dụng hiệu quả nguồn phế phụ phẩm nông nghiệp, góp phần tăng thu nhập cho người dân.
Hiện nay nhiều quốc gia trên thế giới đã sử dụng rơm, rạ, vỏ trấu để SX than sinh học (giá trị của nó được các nhà khoa học ví như “vàng đen” của nông nghiệp.
Than sinh học có tác dụng làm tăng độ phì nhiêu của đất, ảnh hưởng tốt đến sự sinh trưởng, phát triển và tăng năng suất của cây trồng trên đất đang trong tình trạng nghèo dinh dưỡng, giúp giữ ẩm trong đất và giảm thất thoát phân bón.
Đây là nguồn nguyên liệu dồi dào cần được nghiên cứu để sử dụng trong SX phân bón hữu cơ ở nước ta.
Dự án cũng đặt mục tiêu nghiên cứu thí điểm nhiều loại công nghệ khác nhau để sử dụng phế phụ phẩm nông nghiệp nhằm mục đích vừa tạo thêm thu nhập cho nông dân, vừa giảm ô nhiễm môi trường (như ủ chua rơm, rạ để làm thức ăn gia súc, nuôi trồng thủy sản, ép củi trấu, bếp đun cải tiến làm đệm lót sinh học, sử dụng bùn ao nuôi cá ba sa, nuôi tôm để SX phân bón hữu cơ…).
Theo tôi, một nguyên lý quan trọng mà dự án cần hướng tới là các giải pháp xử lý môi trường nông nghiệp cần phải gắn với tăng thu nhập của hộ nông dân thì mới bền vững. Nếu công nghệ xử lý môi trường mà không gắn với tăng thu nhập cho bà con thì sẽ rất dễ bị thất bại.
TS NGUYỄN THẾ HINH (Giám đốc BQL Dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp TƯ)
Nguồn: Nông nghiệp Việt Nam
Xem thêm: