Sương mai là bệnh gây hại phổ biến trên cây cà chua. Bệnh hại có thể làm giảm năng suất đến 40-70% bệnh nặng có thể làm thất thu năng suất hoàn toàn. Vì vậy việc phát hiện bệnh sớm và phòng trị kịp thời mang lại hiệu quả cao trong việc thâm canh cây cà chua.Tác nhân: do nấm Phytophthora infestans.
Đặc điểm của nấm bệnh:
– Nấm tồn tại dưới dạng sợi nấm và lây lan nhờ gió và nước.
– Ngoài cà chua, bệnh còn gây hại trên cây khoai tây nên còn gọi là bệnh mốc sương cà chua, khoai tây.
Điều kiện phát sinh và phát triển của nấm bệnh:
– Bệnh sương mai thích hợp với điều kiện thời tiết ẩm độ cao, trời âm u, có nhiều sương mù; nhiệt độ không khí thấp khoảng 18-22oC, trong đó có 1 khoảng thời gian nhiệt độ xuống thấp 12-15oC.
– Ở nước ta bệnh có thể phát sinh quanh năm tuy nhiên vụ cà chua và khoai tây Đông Xuân có điều kiện thời tiết thích hợp cho bệnh phát sinh và gây hại hơn.
TRÊN CÂY CÀ CHUA
* Triệu chứng bệnh:
– Trên lá: Vết bệnh thường xuất hiện ở mép lá, là những đốm nhỏ màu xanh nhạt, hơi ướt. Vết bệnh lớn dần lan vào phía trong phiến lá, màu nâu, có ranh giới rõ rệt với phần xanh còn lại của lá. Ở mặt dưới lá, vết bệnh có một lớp mốc trắng như sương (phân sinh bào tử). Bệnh nhẹ lá hơi bị cháy, bệnh nặng có thể làm toàn bộ phiến lá bị cháy khô.
– Trên thân: vết bệnh có dạng dài, màu nâu, hơi lõm vào vỏ thân.
– Trên quả: Bệnh thường xuất hiện ở mặt trên của quả, trên quả có những đốm màu xanh xám, có vẻ ướt; vết bệnh lớn dần, chuyển sang màu trắng đục sau đó chuyển sang màu nâu, hơi lõm; quả nhăn nheo, có viền rõ và bên trong có thể bị thối. Bệnh nhẹ quả hơi nám và cứng, bệnh nặng quả không phát triển được, sau đó bị rụng.
* Biện pháp phòng trừ:
– Trồng giống kháng bệnh hoặc nhiễm bệnh nhẹ.
– Không trồng luân canh với cây họ cà như cà chua, cà tím, ớt, khoai tây…
– Tăng cường bón kali cũng làm tăng khả năng chống chịu bệnh mốc sương.
– Ngắt bỏ và tiêu huỷ lá và quả bị bệnh để hạn chế bệnh lây lan. Vệ sinh đồng ruộng, thu dọn và tiêu huỷ tàn dư cây trồng sau khi thu hoạch.
– Khi thấy điều kiện thời tiết thích hợp cho bệnh phát sinh như trời âm u, có nhiều sương mù, nhiệt độ không khí thấp; nên thăm ruộng thường xuyên để phát hiện, nếu thấy bệnh xuất hiện sử dụng một trong các loại thuốc sau để phun.
o Acrobat 90/600 WP 30g/bình 8 lít
o Manozeb 80 WP 30 – 40 g/bình 8 lít
o Dithane M 45 80 WP 30 – 40g/bình 8 lít.
o Polyram 80 DF 30 – 40g/bình 8 lít.
o Ridozeb 72 WP 30 – 40g/bình 8 lít
Phun ướt toàn bộ các bộ phận của cây.
TRÊN CÂY KHOAI TÂY
* Triệu chứng
– Trên lá: Bệnh xuất hiện đầu tiên ở phần mép lá, vết bệnh là những đốm nhỏ có màu xanh nhạt, hơi ướt; sau đó chuyển sang màu nâu. Vết bệnh lớn dần ra, không có hình dạng nhất định; vết bệnh co lại, trên đó có lớp mốc trắng (là các phân sinh bào tử).
– Trên thân: vết bệnh cũng có màu xanh nhạt, hơi ướt; vết bệnh lớn dần lên, có màu nâu bao quanh thân.
– Trên củ: vết bệnh màu nâu, hơi lõm vào trong củ; bệnh nặng có thể làm củ bị thối mềm, có mùi hôi, thối.
* Biện pháp phòng trừ
– Cắt bỏ và tiêu huỷ lá bị bệnh để ngăn ngừa bệnh lây lan; vệ sinh đồng ruộng, thu nhặt tàn dư cây trồng sau khi thu hoạch.
– Không luân canh với cây họ cà.
– Tăng cường bón phân Kali.
– Chọn củ khoai tây giống từ các ruộng sạch bệnh.
– Khi thấy điều kiện thời tiết thích hợp cho bệnh phát sinh như trời âm u, có nhiều sương mù, nhiệt độ không khí thấp; nên thăm đồng thường xuyên để phát hiện bệnh, nếu thấy bệnh xuất hiện sử dụng thuốc để phun phòng trừ như đối với bệnh trên cây cà chua.
Xem thêm: